Giá dầu, vàng, nhôm, thép, lúa mì đồng loạt tăng mạnh
Địa chỉ: 461 QL1A, Khu Phố 2, P. Linh Xuân, Tp. Thủ Đức (ĐÃ DI DỜI) --> 305 Mỹ Phước Tân Vạn - Kp. Tân Phú 1 - P. Tân Bình - Tp. Dĩ An - Bình Dương
0
0775 400 500 - 0903 634 551
Dầu tăng gần 9% do lo ngại về nguồn cung
Giá dầu tăng trong phiên 17/3 do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô Brent tăng 8,62 USD, tương đương 8,79%, lên 106,64 USD/thùng, mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 7,94 USD, tương đương 8,35% lên 102,98 USD/thùng, sau khi có lúc tăng hơn 9% lên trên 104 USD/thùng, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết 3 triệu thùng/ngày (bpd) dầu và các sản phẩm của Nga có thể bị mất đi từ tháng tới do các công ty dầu mỏ lớn, các nhà kinh doanh và các công ty vận tải biển rời xa Nga. Theo IEA, mức giảm đó lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu – dự kiến là 1 triệu thùng/ngày (do giá nhiên liệu tăng).
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ vẫn ổn định bất chấp những gì ông mô tả là tình hình địa chính trị căng thẳng, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước, trái với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 1,4 triệu thùng.
Vàng bật lên khi USD yếu đi
Giá vàng tăng 1% trong phiên vừa qua do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ yếu đi, trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.943,30 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 1,8% lên 1.943,20 USD/ounce.
Miguel Perez-Santalla, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và tiếp thị của Heraeus Metals Management ở New York, cho biết với đồng đô la yếu đi và tình hình Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp, mọi người đã bắt đầu đổ vào vàng.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - đã giảm 0,5% vào lúc kết thúc ngày 17/3 theo giờ Việt Nam, xuống 97,980, là mức thấp nhất trong một tuần.
Nhôm tăng do hy vọng Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế
Giá nhôm tăng do thị trường kỳ vọng về những chính sách kích thích kinh tế ở Trung Quốc – nước tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME tăng 3,8% lên 3.381 USD/tấn. Kim loại này đã tăng giá đáng kể từ khi xảy ra căng thẳng giữa Ukraine và Nga, ngày 24 tháng 2, bởi Nga sản xuất 6% nguồn cung toàn cầu.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang giảm tốc và điều đó có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với cả nhôm và đồng có thể sẽ được thúc đẩy khi quá trình chuyển đổi năng lượng đi vào trọng tâm hơn, đặc biệt là ở châu Âu.
Giá đồng phiên này cũng tăng 2,3% lên 10.280 USD/tấn.
Lúa mì và ngô tăng
Giá lúa mì hồi phục sau những phiên giảm, ngô cũng tăng do nhu cầu xuất khẩu cao
Giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tương lai tăng khi các thương nhân tiếp tục chật vật vì sự gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Các thị trường đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh ở Ukraine,, nhưng Điện Kremlin cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào.
Công ty Strategie Grains của Pháp cho biết cuộc chiến có thể loại bỏ khoảng 11 triệu tấn lúa mì xuất khẩu ở Biển Đen và khoảng 12 triệu tấn ngô xuất khẩu khỏi thị trường thế giới trong năm 2021/22.
Phiên 17/3, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5 đã tăng 28-3/4 cent lên 10,98 USD/bushel; giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 24-1/2 cent lên 7,54-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 19-1/4 cent lên 16,68-1/2 USD/bushel.
Thêm một yếu tố hỗ trợ giá tăng là các dự báo cập nhật của Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ về tình trạng hạn hán sẽ kéo dài trên nhiều vùng Đồng bằng đến tháng 6, đe dọa triển vọng sản xuất lúa mì vụ đông.
Giá đường tăng
Giá đường thô trên sàn ICE tăng sau khi giá dầu tăng do lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Giá năng lượng tăng luôn có xu hướng thúc đẩy các nhà máy mía đường ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil chuyển hướng chế biến mía từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học dựa trên nguyên liệu mía đường.
Theo đó, giá đường thô tăng 0,13 cent, tương đương 0,7%, lên 18,69 cent/lb.
Giá đường trắng giao tháng 5 cũng tăng 3,40 USD hay 0,7% lên 526,00 USD/tấn.
Cao su tăng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng do đồng yên yếu đi và chứng khoán toàn cầu mạnh lên trong khi xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn ra, dù giá ở Thượng Hải giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka kết thúc phiên tăng 0,5 yên, tương đương 0,2%, lên 245,2 yên (2,06 USD)/kg.
Đồng đô la giao dịch ở mức 118,73 yên, tăng so với so với 118,19 yên của phiên liền trước tại Châu Á. Đồng yên yếu đi làm cho tài sản bằng đồng yên có giá cả phải chăng hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 15 nhân dân tệ xuống còn 13.290 nhân dân tệ (2.093,54 USD)/tấn.
Sắt thép hồi phục
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp do kỳ vọng Chính phủ sẽ bổ sung những chương trình kích thích kinh tế để bù đắp tác động tiêu cực từ đại dịch.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 5, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch ban ngày tăng 4,7% lên 810 nhân dân tệ (127,61 USD)/tấn, sau khi có lúc tăng 5,9% trong phiên.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,3%, nhưng thép không gỉ giảm 1,5% do giá nickel hạ nhiệt.